Những thiệt hại lớn khi phớt lờ tín hiệu cảnh báo nguy hiểm trên ô tô
Cập nhật: 06-03-2020 03:18:45 | Bài viết | Lượt xem: 1207
Có những đèn cảnh báo nguy hiểm và lái xe phải dừng lại ngay lập tức nếu không muốn xe bị hỏng nặng, trong khi có những đèn cảnh báo mức độ nguy hiểm thấp hơn, và lái xe có thể cho xe tiếp tục di chuyển nhưng cần nhanh chóng đến trung tâm dịch vụ uy tín để kiểm tra và xử lý.
Trên một chiếc xe ô tô hiện đại có thể có hàng chục hệ thống điện tử, kiểm soát các chức năng hoạt động của xe. Những hệ thống này thông báo cho người lái biết về tình trạng hoạt động của nó thông qua những đèn cảnh báo. Thông thường, khi mới bật chìa khóa điện, tất cả những đèn cảnh báo trên táp lô sẽ bật sáng. Những chiếc đèn sáng lên trong trường hợp này không có gì đáng sợ cả, mục đích chỉ là thông báo cho bạn biết nó vẫn còn sáng, nghĩa là chưa bị cháy.
Nhưng khi khởi động động cơ, tất cả các đèn check đó sẽ phải tắt đi sau khi máy đã nổ vài giây (ngoại trừ một số đèn như cảnh báo thắt dây an toàn, đèn cảnh báo phanh tay…). Nếu máy đã nổ rồi mà chiếc đèn nào còn sáng mãi, thì khi đó bạn có thể kết luận xe của bạn đang gặp sự cố bất thường.
Có những xe hiện đại có hàng chục đèn cảnh báo, nhưng cũng có những xe chỉ có vài đèn cảnh báo. Người lái xe có thể không nhớ được hết tất cả, nhưng nhất thiết phải nhớ những đèn cảnh báo cực kỳ nguy hiểm sau đây:
1. Cảnh báo áp suất dầu bôi trơn động cơ
Đây là một trong những đèn cảnh báo nguy hiểm nhất trên xe ô tô. Khi chiếc đèn này bật sáng, động cơ của bạn đang hoạt động trong tình trạng thiếu dầu bôi trơn, thậm chí là không có dầu bôi trơn. Cần cho xe vào chỗ an toàn và tắt máy ngay lập tức.
• Hậu quả xấu nhất: Nếu tiếp tục cho xe chạy, các chi tiết bên trong động cơ sẽ bị khô, lại cọ sát vào nhau ở tốc độ cao có thể gây hỏng toàn bộ bạc, trục cơ và xy-lanh. Chi phí sửa chữa có thể sẽ rất tốn kém.
=> Cách thức xử lý: Kiểm tra mức dầu bôi trơn động cơ, nếu thiếu thì bổ sung ngay cho đủ và có thể nổ máy trở lại rồi theo dõi. Thường đèn sẽ tắt khi đủ dầu. Tuy nhiên, nếu mức dầu không thiếu mà đèn vẫn sáng thì cần đưa xe đến trung tâm uy tín để kiểm tra, vì rất có thể hệ thống bơm dầu đã bị hỏng hoặc tắc.
2. Cảnh báo nhiệt độ nước làm mát động cơ
Đèn cảnh báo nhiệt độ nước nằm trong nhóm đèn cảnh báo nguy hiểm nhất. Đèn này báo rằng động cơ đang nóng lên quá mức, mà nguyên nhân có thể là tải nặng, lên dốc gắt dài, do thiếu nước làm mát hoặc hệ thống làm mát đang gặp sự cố. Cho xe vào chỗ an toàn và mở ca-pô, nhưng tuyệt đối không mở nắp két nước vì nước sôi sẽ phụt ra ngoài, gây bỏng.
• Hậu quả xấu nhất: Nếu không được xử lý kịp thời, máy nóng quá có thể sẽ bị bó, vênh mặt máy, thổi zoăng quy lát. Chi phí sửa chữa sẽ rất lớn.
=> Cách thức xử lý: Nếu nước còn nhiều mà sôi thì để máy chạy ở chế độ không tải, bật điều hòa ở chế độ nóng nhất, quạt gió mạnh nhất, đến khi nhiệt độ giảm xuống dưới vạch đỏ mới tắt máy (nếu tắt máy ngay lập tức có thể gây nghẽn nhiệt do nước không được lưu thông và quạt không hoạt động, sẽ làm nước sôi dữ dội hơn). Khi nhiệt đã hạ, tắt máy, chờ máy nguội, kiểm tra nước làm mát và nguy cơ rò rỉ. Nếu thiếu thì bổ sung thêm bằng nước tinh khiết rồi có thể di chuyển tiếp, nhưng cần theo dõi thêm và kiểm tra nguyên nhân càng sớm càng tốt. Cũng có những trường hợp xe tải nặng, lên dốc gắt mà nóng máy thì chỉ cần cho xe nghỉ rồi vận hành trở lại khi máy nguội.
Trường hợp nặng hơn là nếu đèn này bật sáng mà phát hiện thấy hết nước làm mát thì phải tắt máy ngay lập tức, mở ca-pô cho thoáng, rồi gọi trung tâm dịch vụ uy tín tham vấn hỗ trợ.
3. Cảnh báo hệ thống nạp điện cho bình ắc quy
Đây là dấu hiệu cho thấy máy phát trên xe đang làm việc không bình thường hoặc không làm việc, có thể do bị hỏng hay đai dẫn động máy phát bị trùng hay đứt hoặc nặng nhất là cháy máy phát. Xe sẽ vẫn chạy bình thường và sử dụng nốt năng lượng điện còn lại trong ắc quy.
• Hậu quả xấu nhất: Không đáng lo ngại, nhưng khi ắc quy hết sạch điện thì xe sẽ không chạy được nữa. Xe sẽ chạy bình thường khi sự cố máy phát được xử lý.
4. Cảnh báo áp suất dầu hệ thống phanh
Khi đèn này bật sáng thì có thể có nhiều nguyên nhân, do má phanh mòn quá hoặc do rò rỉ đường dẫn dầu sẽ khiến dầu phanh bị thiếu. Dấu hiệu đi kèm có thể là đạp phanh có cảm giác mềm hơn bình thường và thậm chí là phanh không ăn. Cảm giác chân phanh bị thụt còn có thể do hỏng một trong số các cupen phanh, làm giảm hoặc mất áp suất dầu phanh.
• Hậu quả xấu nhất: Có trời mới biết được hậu quả xấu nhất trong trường hợp này. Tùy vào từng nguyên nhân và cả sự may mắn mà hậu quả có thể khác nhau. Tốt nhất là bạn nên kiểm tra ngay khi đèn bật sáng.
>> Xem thêm Khi nào thay dầu phanh ô tô? 4 thời điểm quan trọng cần biết
Những đèn báo đáng chú ý khác:
5. Cảnh báo áp suất lốp (nếu có)
Khi đèn này sáng, cần nhanh chóng tạt vào lề đường chỗ bằng phẳng và tầm quan sát tốt cho tất cả các phương tiện từ các hướng khác tới và kiểm tra. Việc thiếu áp suất lốp có thể làm cho lốp mòn không đều (cụ thể là hai bên thành lốp sẽ mòn nhiều hơn do phải chống lại sức nặng của xe), tăng tiêu hao nhiên liệu, lốp nhanh bị nóng. Thiếu quá nhiều có thể gây mất lái, mất an toàn đặc biệt khi vào cua.
>> Đọc thêm Bơm lốp ô tô chuẩn áp suất bạn nhất định phải biết
6. Cảnh báo kiểm tra lỗi động cơ
Lỗi gì đó bên trong động cơ, cần đưa xe đến trung tâm uy tín để kiểm tra và xử lý. Đó có thể là do hệ thống cảm biến ô-xy không hoạt động, hệ thống đo gió bị hỏng… Đôi khi, mức độ nguy hiểm có thể không cao, nhưng có thể làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu tới 30%.
7. Cảnh báo hệ thống túi khí
Mặc dù không phải là đèn cảnh báo nguy hiểm nhất, nhưng đèn này cho thấy hệ thống kiểm soát túi khí an toàn ngừng hoạt động, và túi khí có thể không bung khi va chạm xảy ra. Nguyên nhân trên một số dòng xe đôi khi rất đơn giản, có thể chỉ là do chân giắc cắm bị tiếp xúc kém.
8. Cảnh báo ABS (nếu có)
Hệ thống phanh thông thường vẫn có thể làm việc, nhưng hệ thống kiểm soát chống bó cứng không còn hiệu lực. Khi đó, bánh xe sẽ bị bó cứng trong trường hợp phanh gấp và người lái không còn khả năng kiểm soát hướng xe khi đạp phanh.
>> Đọc thêm Tác dụng của hệ thống chống bó cứng phanh ABS